MÙA VỌNG-MÙA XUÂN ÁNH SÁNG

“Hãy tĩnh thức” (Mc 13:33).

 

 

Hồi đó, lúc thế giới vẫn còn sống trong u mê tăm tối, người Âu tây thường hay quan sát chuyển vận của thời tiết tháng năm kiếm tìm các vị thần linh để cầu xin phù hộ. Nhìn thấy những đổi thay trong không gian và thời gian, họ kết luận rằng trong vũ trụ đất trời có hai vị thần cầm quyền thống trị vạn vật muôn loài: thần ánh sáng và thần bóng tối. Hai vị thần này hằng luôn tranh dành quyền cai trị trên mặt địa cầu. Họ giống như hai chàng lực sĩ vật lộn với nhau không ngừng. Khi thấy đêm dài hơn ngày, người tây phương cho rằng thần bóng đêm đang thắng thế và thần ánh sáng đang kiệt lực. Còn khi thấy ngày kéo dài hơn đêm, họ tin rằng thần ánh sáng đang quật ngã bóng đêm và bóng đêm đuối sức nên phải nhường ngôi lại cho ánh sáng. Họ còn quan sát thấy trong những tháng cuối năm, thế giới phải chịu bóng đêm bao phủ làm chủ cả thời gian lẫn không gian. Ðêm càng dài, ngày càng ngắn. Thế nhưng, họ cũng nhận thấy một sự kiện xảy ra hàng năm. Ấy là bắt đầu từ ngày 21 tháng 12, ánh sáng hồi phục lại thế lực và sinh khí. Ánh sáng phục hưng nên ngày mới khởi sự dài ra. Vì vậy, dân tây phương đã chọn một ngày để ăn mừng ngày hồi sinh của thần ánh sáng. Ðại lễ mừng sự chiến thắng của thần ánh sáng rơi vào ngày 24 tháng 12 hàng năm.

Mùa Xuân Gíáo Hội

 

Giáo Hội Công Giáo phân chia thời giờ tháng năm theo một tiêu chuẩn đặc biệt, khác với niên lịch thế giới (ví dụ như Âm lịch và Dương lịch). Giáo Hội có niên lịch riêng của Giáo Hội, được gọi là Niên Lịch Phụng Vụ hay Niên Lịch Thờ Phượng. Ngày đầu năm theo niên lịch Hội Thánh Công Giáo là ngày Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng. Mùa Vọng tức là Mùa Xuân của Giáo Hội Công Giáo, do đó chúng ta cần nên tìm hiểu ý nghĩa của Mùa Vọng trong mối tương quan với Lễ Giáng Sinh.

Lễ Giáng Sinh bắt nguồn từ đâu?

 

Lễ Giáng Sinh là một đứa con sinh sau đẻ muộn trong lịch sử phụng vụ Giáo Hội Công Giáo. Giáng Sinh được mừng kính bắt đầu từ thế kỷ thứ tư. Trong bốn thế kỷ đầu của Hội Thánh, Kitô giáo không có lễ Giáng Sinh trong phụng vụ cho đến khi được lan truyền sang tây phương. Bởi nhận thấy người dân Âu tây (người Rôma) hàng năm có một phong tục tôn thờ thần ánh sáng, Hội Thánh chọn ngày hồi sinh của ánh sáng và đổi lại thành ngày mừng lễ Thiên Chúa giáng sinh làm người – đó là đêm 24 tháng 12. Trong đêm ấy, Ánh Sáng giáng trần. Ánh Sáng chính là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa; còn bóng đêm là sự chết. Con Chúa đến để tiêu diệt bóng đêm sự chết, hồi phục lại sinh khí cho vũ trụ đang nằm trong bùn nhơ tội lỗi.

 

Ý Nghĩa và Thách Đố Mùa Giáng Sinh

 

Giáng Sinh chỉ là hạt giống khởi đầu kỷ nguyên Ánh Sáng. Còn cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô mới là hoa quả chiến thắng của Ánh Quang. Do đó, Giáng Sinh đánh dấu ngày đầu đời của Ánh Sáng. Như vậy, Mùa Vọng là thời gian cưu mang, là giai đoạn chuẩn bị cho ngày Ánh Sáng Công Chính được khai sinh. Mùa vọng chính là Mùa Xuân Ánh Sáng của Kitô hữu, là Mùa Đông thế tận của bóng đêm. Vì thế, Tin Mừng trong mùa này nhắc nhở chúng ta về ngày tận thế. Chúa Giêsu bảo: “Hãy tĩnh thức, vì Ngài sẽ đến như kẻ trộm trong đêm” (Mt 13:33).

Mùa Vọng thách thức chúng ta đặt lại vấn đề cuộc sống. Ta hãy dùng tiêu chuẩn của bóng tối và ánh sáng mà tự vấn tâm hồn mình: hiện thời, trong đời sống của tôi, bóng tối hay ánh sáng đang làm chủ? Nếu bóng tối đang bảo phủ đời tôi thì bóng tối ấy là gì? Phải chăng bóng tối của đam mê, tham lam, ghen tuông, giận hờn, đắng cay hay bất dung thứ? Tôi có muốn đẩy lui bóng tối trong cuộc đời của tôi không?

Trong Mùa Vọng này, tôi có muốn cưu mang Ánh Sáng Công Chính hay không? Tôi có muốn Ánh Sáng Chúa Kitô chiếm ngự đời tôi chăng? Phải chăng điều tôi muốn lãnh nhận là Ánh Sáng cảm thông, hiếu hoà, dung tha, thanh khiết, thánh thiện và nguyện cầu?

 

Xét Lại Cuộc Sống

 

Để bước vào Mùa Xuân Ánh Sáng, xin được trao lại cho anh chị em lời của ông George Leach sau đây hầu giúp chúng ta tự xét lại cuộc đời:

“Chuyện gì đã xảy đến trong đời sống gia đình thời nay? Nếu chúng ta tin tất cả những gì báo chí và truyền hình tường thuật, thì ta sẽ thấy tương lai thật tối tăm mù mịt. Ngoại tình ly dị tràn ngập như bão lụt. Nhiều người đặt lại vấn đề có nên lập gia đình hay không? Tuổi trẻ thắc mắc có nên dấn mình vào cuộc sống hôn nhân chăng? Những cuộc tranh cãi trường kỳ giữa cha mẹ khiến con cái bỏ nhà ra đi. Họ đi đâu? Thưa, đi nhập băng đảng, ăn chơi trác tán, rượu chè xì ke, nghiện nghập thác loạn. Khổ đau chồng thêm đau khổ. Trong thế giới này, còn có tia sáng hy vọng nào nữa chăng? Trong các cộng đồng, con người ta có còn biết lắng nghe nhau hay chăng? Hay là thay vì đối thoại con người chỉ biết to tiếng đối chất lẫn nhau? Nhìn vào đám đông náo nhiệt nhưng thật ra chỉ là một đám đông cô độc. Chỉ cần một cái nhìn nghi vấn cũng đủ làm cho lòng con người ta hoá nên dị nghị. Chỉ cần một lời nói bất bình cũng đủ khiến cho tâm trí con người biến thành hiềm nghi. Điều gì khiến chúng ta ra như thế? Phải chăng ta đang lo sợ? Nhưng ta sợ mất cái gì? Có phải sợ mất chỗ đứng? Sợ mất quyền hành? Mất quyền làm chủ? Mất quyền sai khiến? Mất quyền điều khiển? Ta điều khiển người đời bằng những lời ba hoa tâng bốc, nhượng bộ cho sự tự tôn tự đại thống trị lòng trí ta. Vì vậy, thời nay, ơn chữa lành hết sức cần thiết. Có lẽ cơn đau nhức tột bực chính là lòng tự ái – tức là tự thương hại lấy mình. Thái độ “tội nghiệp tôi quá, chẳng ai chịu nghe tôi, chẳng ai để ý đến tôi” đang lan tràn khắp nơi. Bởi thế, thế giới ngày nay rất cần ơn chữa lành. Xã hội rất cần được chữa lành. Chính chúng ta rất cần được chữa lành. Vậy, ta phải bắt đầu từ đâu? Phải bắt đầu như thế nào?”

 

 

Ta Cần Làm Gì?

 

Nếu chúng ta muốn tìm một lý do hay một động lực nào để đẩy lui bóng tối ghen tuông, hận thù của tội lỗi, tôi xin trao lại cho anh chị em một động lực được gói ghém trong hai chữ: CHỮA LÀNH. Anh chị em có biết rằng quyền năng chữa lành đang ở ngay trong chúng ta hay không? Chữa lành ở trong ánh mắt, nơi đôi môi và ngay trên bàn tay của chúng ta. Một nụ cười tươi sáng trong đôi con mắt, một lời nói tươi vui khích lệ trên đôi môi, một cú điện thoại thăm hỏi, một lời nói xin lỗi, một tấm thiệp cảm ơn, một điện thư tỏ lòng cảm kích – là những điều thật đơn sơ và dễ làm. Tuy thật đơn sơ mà lại mang đầy quyền uy chữa trị – đẩy lui nỗi buồn tủi và an ủi người cô đơn. Chúng ta ai nấy cũng đều có sẵn quyền năng này. Chữa lành phải là mục tiêu cho mỗi một người chúng ta trong Mùa Xuân Ánh Sáng năm nay.

Tôi đang sống trong bóng tối. Anh chị em cũng đang sống trong bóng đêm. Cùng nhau, chúng ta có thể biến đổi bóng tối thành ánh sáng với chỉ một ánh mắt nhìn, một lời nói và một nụ cười thôi. Tuy nhiên, ta không thể chữa lành nếu thiếu Chúa Giêsu. Vì Ngài chính là Ánh Sáng ban sự sống. Chúng ta phải chữa lành vết thương tím bầm trên thân mình Người. Ta phải sưởi ấm tấm thân bé bỏng của Chúa Hài Đồng đang run rẩy dưới màn tuyết sương lạnh giá của đêm đông. Ta phải hàn gắn lại mối tình sứt mẻ giữa ta với Chúa. Ta còn phải nói cho mọi người biết về Người – nói rằng Người chính là Tình Yêu. Ta phải tỏa chiếu ánh sáng tình yêu này mỗi khi ta gặp gỡ nhau. Nhưng làm sao tôi nói được cho người biết về Chúa nếu tôi không quen biết Ngài? Làm sao tôi có thể san sẻ Chúa cho họ nếu tôi không hề chuyện trò với Chúa?”

 

• Trong một giáo sứ nọ, các em thiếu nhi được trao cho trách nhiệm tổ chức hoạt cảnh Giáng Sinh. Vì muốn làm cho Chúa Hài Đồng được nổi bật trong Đêm Linh Thiêng ấy nên các em đã đặt một cái bóng đèn thật lớn ở ngay giữa máng cỏ. Các em dự tính khi đến màn Chúa ra đời, thì sẽ tắt hết đèn trên sân khấu để cho một mình Chúa Hài Đồng toả sáng mà thôi. Thế nhưng, một em thiếu nhi có bổn phận canh giữ các công tắc điện sơ ý tắt luôn cả đèn của Chúa. Bỗng cả nhà thờ lặng im. Giữa bóng tối mù mịt, bất chợt có tiếng chú mục đồng bên máng cỏ la lên: “Ê, sao đứa nào lại tắt luôn cả Chúa vậy?”

 

Ánh Quang của Chúa Giêsu Hài Nhi hiện đang toả sáng hay sầm tối trong đời tôi? Có lần Nathanael hỏi Chúa: “Thầy hiện đang ở đâu?” Chúa Giêsu hiện đang ở đâu trong cuộc đời anh chị em chúng ta? Có lẽ ngài đang ẩn nấp trong bóng đêm của người thanh niên quằn quại khổ đau vì tình đời bạc bẽo, hay ở nơi bà mẹ già đang cô đơn lủi thủi một mình, hoặc ngay cả nơi những con người đang mang nụ cười trên đôi môi, nhưng phải chăng đó chỉ là một nụ cười gượng gạo che dấu nỗi thương đau?

Nếu thế giới chúng ta, cộng đoàn chúng ta, gia đình chúng ta và hết thảy mỗi một người trong anh chị em chúng ta thật lòng muốn đẩy lui bóng đêm tội lỗi, thì quả thật Chúa Kitô đã đến rồi. Mùa Xuân Ánh Sáng đã bắt đầu lên ngôi. Một năm mới đang khởi sự. Bóng tối đang tàn lụi nhường chỗ cho Ánh Sáng của Con Thiên Chúa giáng trần. Chúa Giêsu bảo: “Hãy tĩnh thức” để chờ Chúa đến. Ta đang tĩnh thức hay còn mê ngủ? Ta có chờ Chúa đến hay không? Ta có mong mỏi đợi trông Chúa hay không?

Trong Mùa Xuân Ánh Sáng này, hy vọng rằng Chúa Giêsu là Vầng Thái Dương Trường Sinh Bất Diệt đang mọc lên trong cuộc đời của mỗi một người trong chúng ta.

Nguyện xin Chúa Giêsu Hài Đồng là Ánh Sáng Bình An ban phúc lành cho quý ông bà và anh chị em qua đôi tay từ ái của Đức Maria, Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Buon Natale!
Joyeux Noel!
Merry Christmas!
MỪNG CHÚA GIÁNG SINH

~ Michael J Trường Luân, C.Ss.R.
Mừng Lễ Đức Mẹ Guadalupe – Nữ Vương Các Thai Nhi
Roma – 12/12/12